Lần đầu tuyển sinh ngành sư phạm liên môn

Năm 2019, một số trường đại học, cao đẳng sư phạm bắt đầu tuyển sinh ngành sư phạm liên môn, chuẩn bị đội ngũ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
1048/dh-su-pham-1-1555290841931874306653_18042019110027636_irdog32b.ou3.jpg

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trường này đang chờ ý kiến Bộ GD-ĐT để tuyển sinh, đào tạo sư phạm liên môn - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là các ngành sư phạm tích hợp liên môn như khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý, giáo dục công dân, giáo dục pháp luật...

Cắt giảm chỉ tiêu sư phạm đơn môn

Trong năm nay, Trường đại học (ĐH) Sư phạm - ĐH Huế tuyển mới các ngành sư phạm khoa học tự nhiên, giáo dục pháp luật, sư phạm lịch sử - địa lý.

Trường ĐH Vinh cũng tuyển mới ngành sư phạm khoa học tự nhiên. Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tuyển ngành sư phạm lịch sử - địa lý, khoa học tự nhiên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên tuyển ngành sư phạm khoa học tự nhiên.

Nhiều trường cao đẳng (CĐ) sư phạm cũng bắt đầu tuyển các ngành sư phạm liên môn theo hình thức ghép môn như Trường CĐ Sư phạm Huế tuyển ngành sư phạm vật lý nhưng ghép thêm hóa học, sư phạm lịch sử ghép thêm địa lý, sinh học ghép thêm hóa học.

Các trường khác như CĐ Sư phạm Gia Lai, Đà Lạt... đều tuyển sinh các ngành ghép liên môn.

Theo PGS.TS Lưu Trang - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), trường đã có sự chuẩn bị đề án, chương trình đào tạo các ngành này từ nhiều năm trước. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, trường đã xúc tiến mở ngành và tuyển sinh đào tạo.

Cũng theo ông Trang, các ngành sư phạm đơn môn như lịch sử, địa lý (đào tạo giáo viên THPT) vẫn tiếp tục được đào tạo nhưng năm nay hầu hết các trường bị Bộ GD-ĐT cắt giảm chỉ tiêu vì nhu cầu giáo viên không nhiều.

Các trường sư phạm trọng điểm được phân chỉ tiêu tuyển sinh nhiều hơn nhưng cũng bị cắt giảm so với đề xuất của trường, chuyển chỉ tiêu sang các ngành sư phạm liên môn.

Chẳng hạn tại Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, trường đề xuất chỉ tiêu các ngành sư phạm địa lý, lịch sử 40 chỉ tiêu/ngành nhưng bộ cắt giảm còn 25 chỉ tiêu/ngành, chỉ tiêu còn lại chuyển qua ngành sư phạm lịch sử - địa lý.

Tương tự, PGS.TS Lê Anh Phương - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) - cho biết việc tuyển các ngành liên môn nhằm chuẩn bị đội ngũ giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Trường cũng đã có sự chuẩn bị từ trước nhưng phải chờ bộ công bố chương trình giáo dục phổ thông mới mới có thể thực hiện. Chỉ tiêu các ngành sư phạm đơn môn bị cắt giảm do nhu cầu giáo viên ở các địa phương không nhiều" - ông Phương nói.

Xây dựng lại chương trình đào tạo

Theo Bộ GD-ĐT, lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1, năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Bộ GD-ĐT giao các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt phối hợp với các trường sư phạm khác tiến hành nghiên cứu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nội dung đào tạo để xây dựng mới chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước.

Với lộ trình này, theo ông Trang, việc đào tạo từ bây giờ các ngành liên môn là sự chuẩn bị cần thiết. Chương trình đào tạo các ngành sư phạm cũng được xây dựng mới, điều chỉnh để phù hợp với chương trình phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực người học.

Ngoài việc tuyển sinh mới, trường cũng xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn lịch sử, địa lý để họ có thể dạy liên môn lịch sử - địa lý nhằm tận dụng tối đa đội ngũ trong khi số giáo viên được đào tạo liên môn chưa nhiều.

Tương tự, ông Phương cho hay chương trình đào tạo của các ngành này được xây dựng trên cơ sở căn cứ nội dung chương trình giáo dục mới của VN và các nước để đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), giám đốc dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Bộ GD-ĐT - cho biết: theo lộ trình, đến năm học 2021-2022, chương trình sẽ áp dụng đến cấp THCS và lần lượt đến năm học 2024-2025 sẽ áp dụng đến lớp 9. Như vậy sẽ có 6 năm để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên toàn cấp.

Với giáo viên hiện hành, bộ sẽ bồi dưỡng, tập trung vào việc nâng cao năng lực sư phạm của giáo viên để thực hiện tốt phương pháp dạy học tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Trước hết là tập trung bồi dưỡng 25% số giáo viên để dạy lớp 6 và cuốn chiếu cho các năm tiếp theo.

Bộ khuyến khích và có chế độ cho các giáo viên tự nguyện đăng ký học thêm các học phần bổ sung kiến thức chuyên môn để có thể đảm nhận từ 2 phân môn, tiến tới đảm nhận toàn bộ chương trình môn học.

"Đối với đào tạo giáo viên mới, các trường sư phạm đã xây dựng chương trình đào tạo giáo viên cấp THCS để dạy học môn khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý. Giáo viên mới sẽ thay dần khi giáo viên hiện hành nghỉ hưu.

Trong tương lai gần, những giáo viên đang dạy các môn lý, hóa, sinh có nguyện vọng dạy tích hợp, bộ sẽ bố trí đào tạo bổ sung các chuyên đề. Về lâu dài, các trường sư phạm sẽ đăng ký các mã ngành đào tạo liên môn bên cạnh những ngành đã có" - ông Thành nói thêm.

 

Thống kê
  • Đang online: 91.560
  • Hôm nay: 15
  • Hôm qua: 4
  • Tất cả: 2.199