Dù sai lầm, thầy cô hãy tiếp tục trao quyền sáng tạo cho học sinh
Giáo sư Phan Văn Trường - người hay được mời đến nói chuyện với học trò, thanh niên, giáo viên tại các trường ở nhiều tỉnh thành - chia sẻ như thế khi nói về sáng tạo trong giáo dục - một chủ đề được bàn luận rất nhiều gần đây.
Theo giáo sư, khi sáng tạo đi quá nhanh, quá sớm so với nhịp độ phát triển xã hội rất dễ bị dư luận "ném đá".
* GS có phải người hay sáng tạo và thích mẫu người sáng tạo?
- Tôi nghĩ mình có sáng tạo đấy, nhưng tôi sống thực tế hơn. Vì vậy, tôi càng quý những người sáng tạo, người có ước mơ. Trân trọng sáng tạo thực chất là động viên một ước mơ. Người nào không mơ, xã hội nào không mơ sẽ không có sáng tạo.
Chả con kiến nào mơ mộng, vì vậy mấy triệu năm nay con kiến cứ sống như thế thôi. Theo tôi, xã hội nói chung, giáo dục nói riêng rất cần những bộ óc sáng tạo.
* Có hai quan điểm: "sáng tạo không biên giới" và "sáng tạo nên có chừng mực để không gây tổn hại đến xã hội". Ông nghĩ thế nào về ranh giới trong việc đánh giá sáng tạo?
- Giấc mơ không có chuẩn, vì không có chuẩn nên giấc mơ mới hình thành sáng tạo. Think out of the box (nghĩ ra ngoài chiếc hộp) mới là tinh thần của sáng tạo.
Sáng tạo cũng không có sai hay đúng mà chỉ có được xã hội chấp nhận hay không. Nếu xã hội không chấp nhận, ta đành lòng giấu nó đi. Nếu sẵn sàng trưng ra, phải chấp nhận rủi ro bị "ném đá".
Luân lý thay đổi theo thời gian, những phát kiến từng bị "ném đá" đến lúc nào đó trở thành hiện thực được chấp nhận rộng rãi, nhưng cần thời gian. Phải chấp nhận rằng khi mình thay đổi nhanh hơn xã hội, mình có thể bị "ném đá".
Chỉ có điều, giấc mơ phải chân thành và lành mạnh, muốn vậy xã hội phải đủ sinh thái và lành mạnh để nuôi dưỡng giấc mơ. Lý tưởng là sáng tạo đi nhanh hơn xã hội chỉ một bước.
* Từng làm việc ở các tập đoàn kinh tế, ông có thích nhân viên thường xuyên đề xuất sáng tạo?
- Theo tôi, có hai dạng lãnh đạo, tương ứng có hai loại doanh nghiệp. Thứ nhất, lãnh đạo chỉ chăm chăm quản lý sẽ ghét sáng tạo, họ chỉ muốn nhân viên mặc đồng phục, đứng khoanh tay chào lễ phép, kiểu đó dễ dẫn tới cách điều hành quan liêu.
Thứ hai, ở góc độ quản trị, người lãnh đạo tốt luôn biết cách tạo động lực cho nhân viên sáng tạo, dành cho họ một không gian riêng để họ có thể tự tin trong việc xuất phát những ý tưởng mới để có thể trao đổi tự do, vì tự do cũng là yếu tố phóng thích sáng tạo. Khi đó không tồn tại quan hệ chủ - tớ, không quan liêu thì óc sáng tạo mới chớm nở.
* Nhưng lỡ những sáng tạo có sai lầm thì sao?
- Thì đó là trách nhiệm của lãnh đạo. Lãnh đạo có bổn phận đưa sáng tạo vào thực tế theo cách khả thi nhất, muốn vậy phải có đủ kiến thức phản biện, cùng cấp dưới hoàn thiện sản phẩm mẫu, đưa vào kiểm thử tìm ra rủi ro của sáng kiến, đồng thời tạo giá trị mới cho cộng đồng. Chuyện sáng tạo trong trường học cũng phải có nguyên tắc này.
Về phía nhân viên, sự sáng tạo nên được trao đổi với đồng nghiệp, cấp trên để tạo sự hòa nhập, không nên làm đơn phương. Khi ta làm gì hơi đi ra ngoài văn hóa chung, chúng ta cũng nên dè dặt, đón nhận ý kiến người xung quanh.
Dù sai lầm, dù thế nào đi nữa, thầy cô hãy tiếp tục trao quyền sáng tạo cho học sinh, chỉ có điều: hãy giải thích, nhắc nhở các em về những rủi ro có thể gặp, tránh sáng tạo quá xa, quá sớm so với tốc độ thay đổi của xã hội.
Các em có thể bị chơi vơi vì sáng tạo chẳng giống ai, cho nên cần chuẩn bị tâm lý trước phản ứng đa chiều từ dư luận.
* Được mời thuyết giảng ở nhiều trường THPT, ĐH, CĐ; GS có ấn tượng gì về giáo viên hiện nay?
- Tôi có cảm nhận rằng giáo viên bị nhiều tác động trong nhiều năm nay, cố giữ mẫu mực hình thức để tránh tạo ra rủi ro, nên tôi thương giáo viên vô cùng.
Có lần tôi đến thăm trường THPT ở tỉnh, một giáo viên chạy đến tâm sự với tôi. Giáo viên ấy có những học sinh tuyệt vời nhưng không dám tạo không khí để các em sáng tạo, cứ theo đúng tiêu chuẩn, mà như vậy thì buồn quá, chán ngán.
Bạn ấy muốn đổi nghề vì môi trường không khuyến khích, lương không tốt, lại phải tiếp nhận thái độ phản cảm từ phụ huynh, học sinh. Tóm lại, thật khó sống như một "người thầy".
Giáo viên này sau đó gửi cho tôi một lá thư đầy nước mắt (theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Tôi đã chia sẻ nhiều để bạn ấy lấy lại can đảm, tiếp tục công việc, sự nghiệp.
* GS có lời gì nhắn nhủ với những giáo viên đang ôm ấp sáng kiến cho nghề?
- Tôi cho rằng người có lương tri nên chịu một chút hi sinh, chấp nhận thực tế không hoàn hảo, nhưng xây được gì, cho ai, mình cứ làm nhưng đừng quá gây sốc. Giáo viên nên tiếp tục là người tạo không khí sinh thái cho học sinh.
Ví dụ như tôi đã ngoài 70 nhưng luôn phải chọn cách nói chuyện tân thời, sát tình hình thời sự, sát văn hóa mới của giới trẻ. Mình giữ tác phong người thầy nhưng cứ vui vẻ đón nhận những câu hỏi trần trụi, thậm chí có thể ngổ ngáo của học sinh.
* Theo ông, giáo dục cần sáng tạo, thay đổi gì trong tương lai gần?
- Thứ nhất, người thầy cần thay đổi từ vai trò thuyết giảng sang người bạn, cố vấn (mentor) hỗ trợ học sinh bộc phát trí thông minh, khả năng tưởng tượng, đồng thời hỗ trợ đưa ước mơ vào thực tế. Đó là bổn phận của nghề giáo.
Thứ hai, tôi cho rằng ngoại trừ giới chuyên gia, số đông chúng ta lớn lên sẽ là những người quản lý, điều hành một công việc nào đó. Vì vậy, giáo dục cần tập cho thiếu niên từ năm 15 tuổi một cuộc sống trật tự, tự lập với kỹ năng lý luận, thương thuyết, suy diễn, truyền thông, lắng nghe và lựa chọn.
Nhìn chung, tôi thấy số đông học sinh, sinh viên tôi tiếp xúc từ Nam ra Bắc đều tân thời và lành mạnh, từ tiết mục văn nghệ các em trình diễn đến câu hỏi đặt cho khách mời, các em quan tâm học gì để thành công, để giúp cha mẹ. Vì vậy, khi số ít không lành mạnh xuất hiện, xảy ra sự cố đáng tiếc, mình không nên bi quan, khoan vội bức xúc mà đối xử ôn tồn hơn.