Đưa sách vào khắp nơi trong trường để học trò ham đọc sách
Những cách đưa sách vào trường học này được hiệu trưởng một số trường vận dụng linh hoạt vào giờ tự học. Tuy nhiên, vài cánh én nhỏ khó tạo nên mùa xuân.
Sách ở khắp nơi trong trường
Kéo bàn ghế ra góc tường, nhóm học trò Trường tiểu học Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) trải nệm ở giữa lớp, ngồi chụm lại bên nhau say sưa đọc sách. Chốc chốc, có em khều bạn kế bên kể cho nhau nghe điều mới mẻ vừa lượm nhặt từ trang sách.
Thầy giáo có mặt tại lớp để theo dõi lớp học, hướng dẫn cách khai thác thông điệp trong từng mẩu chuyện, thông tin. Đây là năm thứ 3 Trường tiểu học Hùng Vương tổ chức hoạt động đọc sách theo sở thích vào chiều thứ ba, thứ năm hằng tuần.
"Góp một quyển để đọc nhiều quyển" - cô Lê Thị Ngọc Quyên, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
"Chúng tôi vận động học trò mang sách từ nhà lên thư viện, sau khi sàng lọc sẽ trả về lớp. Rồi sách trao đổi giữa các lớp tạo nên sự phong phú. Thực tế là không nên có môtíp cho giáo viên, hình thức nào cũng được miễn học sinh thoải mái tiếp cận sách.
Có nhiều học trò không ham thích, giáo viên phải thuyết phục, 'dụ dỗ' để các em nhìn ra ý nghĩa việc đọc sách... Đó là cả nghệ thuật" - cô Quyên chia sẻ.
Muốn "sách ở khắp nơi trong trường", theo cô Phạm Thị Chinh - hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hòa B (Dĩ An, Bình Dương), cần phải thay đổi nhận thức từ giáo viên, phụ huynh.
"Ngày đầu thành lập, thư viện trường không có gì, tôi và thủ thư phải đi xin sách nhiều nơi, vận động phụ huynh đóng góp. Mặc dù trường ở ngay thị xã nhưng mức sống nhìn chung chưa cao, phần lớn phụ huynh buôn bán, làm công nhân, việc học chưa chắc đủ quan tâm chứ đừng nói đến đọc thêm sách.
Để thầy cô gánh thêm việc, mình phải thuyết phục họ thay đổi nhìn nhận, cùng đọc sách với học sinh, mưa dầm thấm lâu chứ không phải sớm chiều" - cô Chinh tâm sự.
Việc xây dựng văn hóa đọc gắn liền quá trình phát triển nhà trường. Hiện mỗi sáng, học sinh Trường tiểu học Đông Hòa B dành 30 phút đầu giờ cho đọc sách. 50% thời lượng dành cho giáo viên hướng dẫn kỹ năng đọc, còn lại là chia sẻ trực tiếp từ học sinh.
"30 phút chỉ để khơi gợi cho học sinh rồi về nhà tự đọc" - cô Chinh nhấn mạnh. "Sách là phần học sinh ngán nhất, mình cứ từng bước tiếp cận, đừng hối thúc, thậm chí các em sờ sách, mở sách, nghe cô đọc đã là khởi đầu tốt. Khi các em tự đọc rồi, giáo viên mới hỗ trợ các em khai thác nội dung sâu hơn, chịu tư duy hơn".
Để học sinh thích thú, tự nhiên cầm quyển sách, một số trường chịu khó đầu tư không gian thư viện mát mẻ, có thảm ngồi đọc, được mang sách ra hành lang, sân trường hoặc mang về lớp. Đến đâu, học sinh cũng có thể dễ dàng thấy và với lấy sách.
Không phải theo phong trào
Khảo sát tại một số trường phổ thông ở TP.HCM, ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, văn phòng đại diện phía Nam - nhìn nhận: "Liệu khuyến đọc chỉ nên là hoạt động xuất phát từ lòng tốt, cái tâm của hiệu trưởng hay nhân viên thư viện?".
Ý kiến của ông Hoàng xuất phát từ việc toàn bộ công tác mang sách, tạp chí vào giờ học tại trường chỉ mới là sáng kiến, quyết định của vài trường, không phổ biến để tạo ra mặt bằng đọc tốt hơn cho thế hệ trẻ. Khi chưa trở thành quy định bắt buộc trong ngành giáo dục, học sinh không thể duy trì thói quen đọc sách suốt ba cấp học.
"Vấn đề không phải theo phong trào, nhìn về lâu dài, sách là phương tiện cơ bản phục vụ cho xã hội học tập, học tập suốt đời, bồi dưỡng con người toàn diện" - ông Hoàng chia sẻ.
Do chưa có chương trình chuyên nghiệp, nhiều trường công lập tự tham khảo mô hình lẫn nhau, có nơi làm tốt có nơi diễn ra hơi "công thức" nhưng bước đầu hình thành thói quen chia sẻ sau khi đọc sách, nhận thức điều tốt, nên làm từ câu chuyện trong sách, thậm chí học sinh cùng giáo viên áp dụng bài học, thử xử lý tình huống thực tế.
Trong khi đó, tại một số trường quốc tế, việc đọc sách đã được lượng hóa, thống nhất suốt ba cấp học, có phương pháp đánh giá về chất lượng đọc.
Cụ thể, học sinh được giao bài tập về nhà, làm dự án môn học đòi hỏi đọc sách điện tử. Khi đó có phần mềm quản lý sách hỗ trợ giáo viên giám sát thời gian, tốc độ đọc, mức độ hiểu thông qua bài kiểm tra ở cuối mỗi nội dung; học sinh có thể được yêu cầu đọc thành tiếng hoặc nghe thụ động để kiểm tra độ tập trung.
Chẳng hạn, trong vòng 9 tháng qua, học sinh Trường quốc tế song ngữ Horizon đã hoàn thành khoảng 38.000 quyển sách điện tử, xấp xỉ 9.300 giờ đọc (tính trên 545 học sinh từ mầm non đến lớp 12). Việc đọc sách là bắt buộc như mọi môn học khác, góp phần bổ trợ môn văn, chuẩn bị hành trang tri thức, ngôn ngữ để thể hiện bản thân.
"Sách giúp các em nói, viết lưu loát, biết khám phá bản thân, tự tin và tìm thấy tấm gương, ước mơ cần theo đuổi" - giáo viên Nguyễn Thị Ngọc Diệp chia sẻ.